14:31 07/03/2023
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty

Ngày 3/3, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (6/3/2003 - 6/3/2023).

Lãnh đạo Tổng công ty tặng hoa vinh danh đồng chí Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty và đồng chí Hà Mạnh Chiến - Nhân viên Xưởng Sửa chữa Công ty vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022.

Cách đây 20 năm, ngày 6/3/2003, Công ty Cổ phần xi măng Hùng Vương, tiền thân của Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Sông Thao ngày nay được thành lập để chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng lò quay công suất 750.000 tấn Clinker/năm (tương đương 910.000 tấn xi măng/năm) với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại huyện Thanh Ba. Sau hơn 5 năm đầu tư, xây dựng, ngày 30/9/2009, Nhà máy xi măng Sông Thao cho ra mẻ Clinke đầu tiên và chính thức đi vào hoạt động, trở Nhà máy xi măng có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của Tổng Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà và đô thị (HUD) và là công trình thí điểm của Bộ Xây dựng với hình thức tổng thầu EPC theo chủ trương của Chính phủ, nhằm nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước, từng bước làm chủ được cơ bản việc thiết kế và chế tạo thiết bị những nhà máy công suất vừa và nhỏ mà lâu nay vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là dự án Nhà máy Xi măng đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện từ khâu thiết kế, chế tạo đến cung ứng thiết bị, tổ hợp xây lắp và vận hành sản xuất. Ngoài hệ thống dây chuyền sản xuất chính, dự án còn bao gồm các hạng mục phụ trợ và các tiểu dự án thành phần như: Khu nhà ở, khu vui chơi giải trí của cán bộ công nhân, các mỏ nguyên liệu… với tổng diện tích 75ha, tổng mức đầu tư trên 1.671 tỉ đồng.



Quá trình xây dựng và phát triển, năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, Công ty đã hội nhập vào ngôi nhà chung Tổng Công ty Xi măng Việt Nam VICEM. Đến năm 2018, thương hiệu Xi măng VICEM Sông Thao được sáp nhập về Xi măng VICEM Hải Phòng theo Đề án tái cơ cấu ngành, sáp nhập thương hiệu của Tổng công ty. Theo đó, kể từ ngày 27/6/2019, Công ty sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu VICEM Hải Phòng là: Xi măng Poóc-lăng hỗn hợp PCB30 bao, rời; PB30 bao đa dụng; PCB40 bao, PCB rời dân dụng, PCB rời công nghiệp.
Giai đoạn 5 năm, từ 2018-2022, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty có nhiều khởi sắc. Tổng sản lượng Clinker, Xi măng tiêu thụ đạt trên 6 triệu tấn. Tổng lợi nhuận đạt gần 140 tỷ đồng; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước trên 225 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động được nâng cao rõ rệt, từ 8 triệu đồng/người/tháng lên 15 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động xã hội an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cán bộ quản lý, người lao động.
Với những nỗ lực, đóng góp trong 20 năm qua, Công ty đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý: Giải thưởng Công nghệ xanh Việt Nam vì sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên môi trường; Quả cầu vàng chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn; Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam; Huy chương vàng và danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn; Danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương bảo trợ và chứng nhận. Đảng bộ Công ty nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tập thể và cá nhân trong Công ty được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Công ty trong suốt 20 năm qua; yêu cầu công ty tiếp tục đổi mới công tác quản trị, điều hành trong sản xuất, tiêu thụ... nhằm tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiếp tục tối ưu hóa sản xuất trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, giảm định mức tiêu hoa, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường. Tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu vì ngành xi măng không phát thải, tuần hoàn tự nhiên, tăng cường sử dụng chất thải từ các ngành công nghiệp khác (rác thải, bùn thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tái tạo (đá vôi, sét...). Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, nâng suất lao động, năng lực quản trị...

Nguồn: Đinh Vũ